QUẢNG CÁO


Tin tức

Trang web chính thức của chúng tôi là nucetech.vn

Công xưởng cho giới trẻ đam mê kỹ thuật tại Sài Gòn

Nép bóng trong một căn hộ nhỏ tại đường Nguyễn Văn Đậu, TP HCM, Fablab Sài Gòn ngổn ngang như một công xưởng với các loại máy cắt laser, thiết bị in 3D và những công cụ cơ khí.
Trong hai năm qua, “công xưởng” này đã là nơi hội tụ, gặp gỡ của những người đam mê kỹ thuật, chế tạo ra các sản phẩm mới, hay chỉ đơn giản là yêu thích việc sáng tạo và tìm chỗ hiện thực hóa đam mê của mình.
“Fablab Sài Gòn là một kiểu không gian mở, một nơi để các bạn tới làm việc, học hỏi và trao đổi thêm với nhau", Nguyễn Hải, phụ trách chính Fablab Sài Gòn chia sẻ.
"Khi bạn có đam mê về chế tạo, bạn có thể đến Fablab, chơi hoặc làm đều được. Nếu bạn chưa có dự án, có thể đến tham dự với những nhóm khác, hoặc đến chia sẻ, tìm những người chung ý tưởng, thành lập đội để thực hiện dự án đó”.
Cong xuong cho gioi tre dam me ky thuat tai Sai Gon hinh anh 1
Một góc không gian "Maker Space" của Fablab Sài Gòn, Nguyễn Hải (áo xám) đang hướng dẫn một tình nguyện viên cho công trình mới. 
Năm 2014, Phan Hoàng Anh, Việt kiều Pháp cùng hai người bạn đồng sáng lập nên Fablab Sài Gòn. Hoàng Anh chia sẻ: Ý tưởng ban đầu là tạo ra một không gian dành cho những người thích tự tìm hiểu, chế tạo sản phẩm hay các “maker”. Khi sang Singapore và thấy mô hình Fablab dành cho trẻ em, Hoàng Anh trở về tự tay tạo một Fablab tại Việt Nam, nhưng theo thời gian, người tham gia ngày càng mở rộng hơn, và Fablab Sài Gòn dần phát triển theo mô hình quốc tế.
"Đó là một quá trình dài", Hoàng Anh nhớ lại, lúc ban đầu, Fablab Sài Gòn chỉ có vài máy móc đơn giản, cơ bản của người làm kỹ thuật. Dần dần, mọi người tự thiết kế, chế tạo máy in 3D, một số loại máy đắt tiền như máy cắt laser hay CNC được vài công ty hỗ trợ, cho mượn.
Các máy móc này được sử dụng miễn phí bởi các tình nguyện viên, những người cần đến Fablab.
“Các bạn chỉ phải chịu chi phí vật liệu, ngoài ra Fablab cho mượn hoàn toàn máy móc”, Hải cho biết, “thông thường các bạn ở nhà riêng hoặc phòng trọ thì không đủ không gian hoặc kinh tế để mua và chứa công cụ, các máy móc đắt tiền, chỉ  có vài món đồ cơ bản. Do đó nếu có ý tưởng hay cũng rất khó triển khai, còn ra các cửa hàng gia công thì đắt và cũng không đúng ý mình”.
Với tiêu chí chia sẻ như vậy, Fablab được tìm đến bởi nhiều sinh viên làm đề án tốt nghiệp, các học sinh có đam mê về sáng tạo.
Cong xuong cho gioi tre dam me ky thuat tai Sai Gon hinh anh 2
Thiết bị "wearables" do Gia Khang thực hiện cùng sự hỗ trợ từ Fablab.
“Em thường hỏi các anh chị về kỹ thuật, ở đây cũng có nhiều máy móc hỗ trợ thực hiện sản phẩm của mình”, Gia Khang, hiện đang học lớp 11 trường Phổ thông Năng khiếu TP HCM chia sẻ. Sản phẩm của Khang là thiết bị đeo gắn với trang phục, có thể cảm nhận tình trạng nguy hiểm về sức khỏe, tai nạn của người mặc và phát âm thanh cảnh báo kèm tin nhắn đến smartphone thông qua ứng dụng viết riêng. Sản phẩm này đã đạt giải 3 Cuộc thi Thử thách Sáng tạo trẻ diễn ra tại TP HCM.

Giấc mơ về cộng đồng Maker Việt Nam

Cộng đồng maker - những người sáng tạo, tìm tòi, ưa thích cải tiến những sản phẩm mới đã và đang là trào lưu trên khắp thế giới.
Năm 2014, Tổng thống Obama từng có bài phát biểu trước giới maker của Mỹ, và gọi nước Mỹ là một “Quốc gia của những maker” (Nation of Makers), nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những người thích tìm tòi, sáng tạo cái mới, cũng như những trách nhiệm của xã hội trong việc duy trì và đẩy mạnh trào lưu đó. Nhà Trắng cũng tổ chức Hội chợ Maker đầu tiên vào cùng năm.
“Việt Nam cũng có thể gọi là một “nation of makers”, Hoàng Anh chia sẻ, “bởi maker rất gần với doanh nhân hay những người khởi nghiệp, vấn đề là ở Việt Nam mọi người chưa nhận xét mình là maker, đó là gồm tất cả những người thích tự làm, tự suy nghĩ đưa ra ý kiến, tự xoay để tạo ra một sản phẩm gì đó. Ở Việt Nam tôi nghĩ phong trào maker đang phát triển mạnh”.
Hoàng Anh cũng nói thêm, Việt Nam đã có nhiều dạng cộng đồng tương tự như Fablab, như các phòng thí nghiệm tại các trường Đại học, các Câu lạc bộ, hội nhóm đam mê kỹ thuật.
Cong xuong cho gioi tre dam me ky thuat tai Sai Gon hinh anh 3
Những không gian đầy đủ công cụ, cùng tinh thần chia sẻ như Fablab sẽ là hạt giống cho cộng đồng maker Việt Nam.
Điểm yếu của các tổ chức này ở chỗ, các phòng thí nghiệm trường Đại học thường không mở cửa rộng rãi, một số câu lạc bộ có quy mô nhỏ, thiếu sự liên kết.
Fablab có lợi thế về mô hình và mạng lưới liên kết trên nhiều quốc gia, mặc dù có nhiều tiêu chuẩn, Hoàng Anh cho rằng “tinh thần maker” là thứ quan trọng nhất của Fablab Sài Gòn.
“Fablab giống như một tôn giáo, bạn phải tin vào giá trị của nó, tạo điều kiện cho người ta nghĩ ra những ý tưởng hay, đó là giá trị cốt lõi, những yêu cầu khác rất mềm, và có thể thay đổi theo từng quốc gia.”.
Hoàng Anh cũng không quên nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc hình thành một cộng đồng maker thực thụ của Việt Nam, bởi “nhiều bạn trẻ không hiểu rằng mình chính là một maker, vì thế mất đi nhiều cơ hội, những chương trình hỗ trợ trong giới. Điều đó rất đáng tiếc vì các bạn sẽ không hòa được vào một phong trào đang phát triển của thế giới”.
Cũng theo Hoàng Anh, Fablab không chỉ là một nơi để đến, nó còn là một cộng đồng, kết nối với khắp nơi, vì nếu không hòa mình vào thế giới, Fablab sẽ “hơi mất tinh thần maker”.
Với suy nghĩ đó, Fablab Sài Gòn đang ấp ủ nhiều dự định, họ sẽ mở ra thêm nhiều chi nhánh ở các tỉnh thành khác, sắp tới là Vũng Tàu. Nguyễn Hải tiết lộ, vào tháng 7, họ sẽ có chương trình Mobile Fablab, nơi các tình nguyện viên cùng rong ruổi đến các tỉnh thành, hướng dẫn học sinh các trường cũng như bất kỳ ai có đam mê về những kỹ thuật cơ khí cơ bản, tạo sân chơi và đẩy mạnh hơn phong trào sáng tạo trong người trẻ.
“Vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng ở Fablab, tôi cảm thấy vui vẻ, đam mê hơn vì những hoạt động tạo được cho cộng đồng”, chàng cựu sinh viên CNTT chia sẻ.
Theo Zing.vn

Không có nhận xét nào